Lợi về lực …

Ai đã từng học qua môn Vật Lý hồi cấp II sẽ nhớ câu nói nổi tiếng của Archimedes: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng trái đất này” (“Give me a place to stand on, and I will move the Earth.”).

Đòn bẩy giúp người ta có lợi về lực. Người yếu dùng đòn bẩy có thể di chuyển được vật rất nặng.

Nhưng sách giáo khoa Vật Lý cũng nói thêm: “Lợi về lực, thiệt về đường đi”.

Ai trong số chúng ta cũng phải di chuyển dọn dẹp một vài hoặc rất nhiều tảng đá trong suốt cuộc đời của mình.

Có những tảng đá tự sức mình vần đi được.

Có những tảng đá để vần nó mình phải mượn lực. Lực đi mượn có thể là tiền vay ngân hàng. Là các mối quan hệ bạn bè. Là danh tiếng của ông chú. Là chức quyền hay thế lực của phụ huynh.

Mượn được lực thì tiết kiệm được thời gian.

Trong nền kinh tế chuyển đổi, quyền lực, địa vị xã hội và tiền là cái người ta hay dùng để “tăng lực” nhất. Mọi việc có thể giải quyết bằng tiền và quyền lực. Rất gọn gàng và quan trọng là đỡ mất thời gian.

Thế rồi người ta quên mất vai trò của đòn bẩy. Hoặc người ta chán đòn bẩy, vì để dùng nó lực thì có lợi mà rất mất thời gian.

Đòn bẩy của mỗi người, hay thậm chí của cả cộng đồng, cả dân tộc chính là nền tảng kiến thức, kinh nghiệm tích lũy, văn hóa ứng xử… Cái đòn bẩy ấy không tự nhiên có được. Muốn có đòn bẩy đủ cứng cáp, đủ dài, ta cần thời gian tôi luyện. Cách duy nhất để rút ngắn thời gian tôi luyện đòn bẩy chính là người đi trước truyền kiến thức và kinh nghiệm cho người đi sau. Thế hệ đi trước để lại nền tảng văn hóa cho thế hệ đi sau.

Muốn nâng tảng đá khổng lồ, lại không muốn thiệt về đường đi, người ta chọn giải pháp mượn lực thay vì tôi luyện đòn bẩy.

Đòn bảy gãy, tảng đá rơi, có kẻ què chân, có kẻ toi mạng.

Vinashin là một động tác cử bổng chỉ dựa hoàn toàn vào lực đi vay mượn mà không cần đòn bẩy. Chỉ vì muốn đốt cháy thời gian.

Trong cuộc đời của mình, đã bao giờ bạn bị hòn đá mình đang bê rơi xuống làm gãy ngón chân chưa?

Đã bao giờ bạn ngừng tôi luyện đòn bẩy của chính mình?

Và đã bao giờ bạn truyền cho những người trẻ hơn mình những kiến thức và kinh nghiệm mình đang có?

About Blog của 5xu

Ti hí nhìn đời
Bài này đã được đăng trong đời và được gắn thẻ . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

15 Responses to Lợi về lực …

  1. Bù xù nói:

    Xí cái tem!

    Em chưa bao giờ dùng lực! Em chỉ thích dùng những thứ của chính mình!

    Nice day!

  2. hoàng hôn tím nói:

    Chú 5xu,

    Chú không biết cháu, nhựng cháu biết chú qua một đoạn trong quyển “Thời Tiết Đô Thị” của chú. Chú viết văn rất dí dỏm. Thích lời văn của chú nên cháu tò mò lên mạng dò tìm thêm thông tin về tác giả Phương Cẩm Sa này. Cuối cùng cháu cũng tới được đây. Cháu không phải fan cuồng nên cháu không dám nói là mình đã đọc hết những gì chú viết. Nhưng từ những gì cháu đọc được cháu thấy mến lối suy nghĩ và cách nhìn của chú về những chuyện xảy ra trong đời sống. Trước là vài lời hâm mộ gửi tới chú. Sau là cháu chúc chú nhiều sức khỏe để còn viết văn làm hay cho đời.

  3. Cám ơn cháu Tím. Cháu mua TTĐT ở đâu đấy, bìa sau có hình gì? Chú Xu

  4. nguyetthuvtv nói:

    Bạn không nên bê một mình cái tảng đá to và nặng ấy, nếu nó quá sức bạn. Vì như vậy, bạn sẽ gãy lưng mất. Sao bạn không nghĩ đến đoạn, bạn chia lực cho đồng bọn, bạn khuyến khích giới trẻ đỡ tảng đá cùng bạn nhờ sức trẻ của họ và sự hỗ trợ kinh nghiệm của bạn ? như vậy, tảng đá sẽ vô cùng nhẹ nhàng, và một ngày nào đó, bạn có thể chỉ cần có 1 ngón tay để cùng nâng tảng đá mà cả nhà cùng vui.

  5. vitconxauxi nói:

    Chào bạn,
    Có lẽ k cần phải tốn thêm chữ đê cảm ơn hay khen ngợi gì nữa ( vì có khen hay cảm ơn cũng đã thừa rồi).
    “Lợi về lực, thiệt về đường đi” mọi người sống trong thời đại này k chỉ mất đi khái niệm “đòn bẩy” mà đáng nói hơn họ còn tạo nên một quan niệm ăn sâu vào tiềm thức như một thứ “luật bất thành văn” về lực do vay mượn mà có rằng chi có lực do vay mượn thì mọi việc mới suôn sẻ, tốt đẹp và thành công.
    Ra phường chứng giấy tờ, làm lại giấy tờ, đến ngân hàng làm thủ tục vay, mượn, kể cả cho con đi học từ mẫu giáo đến đại học…
    Giờ bạn chỉ cần vào trochuyen.com bạn sẽ thấy có hàng chục ngàn lượt xem và thảo luận về việc quyền lực, mối quan hệ, tiền hay năng lực là điều quan trọng bạn sẽ thấy cách mọi người nhìn nhận về đòn bẩy và lực vay mượn bi quan và đen tối như thế nào!.
    Chúc 5xu luôn an lành và tràn đầy năng. Tuần mới thú vị nhé!

  6. hoàng hôn tím nói:

    Chú hỏi thì cháu cũng xin thưa rằng sách thật sự của chú thì cháu chưa mua, mà cũng chưa hề cầm qua nên cháu không biết sau bìa có hình gì . Có người quen gửi một đoạn qua email kêu cháu đọc và nói là trích từ TTĐT của chú thì cháu chỉ hay vậy thôi. Mong chú đừng buồn vì cháu đã đọc chùa tác phẩm của chú nhỉ.

    • Vậy thì đi mua đi cháu ạ. Nghe nói mới tái bản. Nghe đồn bìa sau lần này in chữ quảng cáo hoành tráng lắm. Cháu nhịn độ 3 bát phở là mua được thôi. Hoặc 1 ly kem xịn là mua được.

      Không mua thì cũng ko buồn đâu, có người đọc của mình là vui rồi, nhất là đọc qua email (có người gửi cho) mà tò mò đến thế.

  7. talk nói:

    Baì viết dí dỏm, nhưng theo tôi có hai cái gợn :
    -Vụ Xin Xin, so sánh hơi kiên cưỡng, vấn đề không phải là mượn lực mà vấn đề thực ra là không biết làm gì! Nói nhầm ở chỗ ảo tưởng mượn lực e là “nói đỡ”?
    -Vấn đề trong đời sống thông thường, việc “mượn lực” nhiều khi là do sự bắt buộc của hoàn cảnh. Còn những người đã có ý thức “mượn lực”= cơ hội thì ví dụ đá rơi chả có ý nghĩa răn bảo gì. Thành ra dí dỏm mà không đắt.
    -Đòn bẩy xét theo góc độ vật lý thì cũng đâu có lợi về công, chỉ là tăng đường đi để giảm lực ! Nhưng tạo ra được đòn bẩy và điểm tựa cụ thể cho từng “hòn đá” cũng không dễ dàng và là từng bài toán cụ thể, cần suy xét cẩn thận.
    Viết thế góp vui với tác giả, nhưng cũng muốn nói một ý rằng : cuộc sống nó đa dạng và cụ thể, vài triết lý tổng quát đọc và nghĩ bay bổng thì hay nhưng cũng dễ gây ảo tưởng cho người tiếp nhận. Khi va vào cái nghiệt ngã của đời sống thì gãy ngay. Thực tiễn có quá nhiều ví dụ.

    • “Đòn bẩy đâu có lợi về công”. Haizz, đọc comment xong chẳng còn biết phải nói gì nữa.

      Vinashin đã nói ở entry Tảng đá bất lực rồi: các bác đừng bình luận làm gì, báo đài nói mãi rồi, mà nếu cần tự Xu béo phân tích sẽ hay hơn các bác nhiều hé hé hé.

  8. Huong nói:

    anh Xu,
    bìa nào thì là TTDT đợt đầu hả anh? Em tưởng là đọc blog anh kỹ rồi, mà sao đọc lại cuốn sách vẫn thấy lạ hoắc, bất ngờ và hay. Hai người giới thiệu cũng hay, rất biết thưởng thức bạn.

    Em thiếu chữ ký tặng thôi. 🙂

    Muốn đợi 10 năm sau để biết khi anh đọc lại bài viết của anh thì anh nghĩ gì.
    Những liên tưởng và so sánh của anh rất hay, và luôn luôn quá với lứa tuổi của anh 1 chút.

  9. Dã Quỳ nói:

    “Và đã bao giờ bạn truyền cho những người trẻ hơn mình những kiến thức và kinh nghiệm mình đang có?”

    Hổng dám “truyền” nhưng ai thấy dùng được thì cứ việc lấy. Vậy thì có vấn đề gì không hở bác 5xu ??? …:) 🙂 ..hì hì hì

  10. Hien nói:

    Em trẻ người non dạ, chỉ xin góp vài lời, có sai nhờ bác sửa dùm ạ:)
    Theo em hiểu thì ý bài này phê phán thói ỷ lại (nên p đi mượn lực) và thói ko chia sẻ (nên ko thể hợp lực lại thành đòn bẩy đủ mạnh mà bật lên thành công) phải ko ạ? Tuy em ít học nhưng cũng thấy rất tâm đắc, nhất là khi nhìn cuộc sống ở các nước khác, cứ thấy tinh thần cộng đồng của VN mình ko bằng người ta. Chỉ có điều ý về mượn lực với đòn bảy hơi trừu tượng, nên em muốn hỏi bác theo bác thì mình nên làm gì để tạo thành đòn bẩy? ở tầm hiểu biết và kinh nghiệm nhiều như bác thì có thể làm gì, và bọn trẻ ít biết chuyện như bọn em thì có thể làm gì ạ?

    Em cảm ơn bác vì bài viết rất hay ạ, rất mong hồi đáp của bác.

  11. Tran Phu nói:

    Trước đây Tôi có nghe đến ” Thới tiết đô thị” của anh, định bụng tìm mua đọc, nhưng việc lu bu mãi hôm nay mới nhớ ra. Tôi chưa đọc TTĐT, nhưng có đọc một vài bài trong ” nhảm”, “đạo”, “phát triển” trong blog của anh, tôi có cảm giác anh có kiến thức rất rộng, sâu, và lối viết tôi rất thích.
    Chúc anh mạnh khỏe, và ngày càng có bài viết hay, bổ ích!

Đã đóng bình luận.