Sound of Silence

Cái milk-bar mà Phượng của Fowler thường ngồi vào cuối sáng, tôi luôn nghĩ rằng nó phải nằm đâu đó quanh số nhà trên đường Catinat mà sau này thành nhà in sách nổi tiếng Albert Portail chuyển đến. Nhà sách của Portail, chuyển qua đến mấy đời chủ, gốc gác xưa cũ là của ông Claude từ năm 1905, nhà in sách Claude et Cie. Nhà sách Portail ấy sau này, cỡ năm 1955, đổi tên thành Xuân Thu mà bà chủ của nó, cũng như của cái rạp hát Eden, được cho là  đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân.

la-pagode-saigon

Graham Greene đến Sài Gòn, hay đúng hơn là Sài Gòn trong The Quiet American của ông, đã không có cái nhà sách ấy.

Cái Pavilion, chéo qua bên kia đường với cái milk-bar,  mà Fowler ghé qua uống bia lạnh và để tránh Phượng, được Greene mô tả là một “coffee centre” cho phụ nữ Châu Âu và Mỹ. Ở đó Fowler chứng kiến vụ đánh bom. Cái Pavilion này tôi tin chắc chính là quán cà phê Terrace dành cho người nước ngoài của khách sạn Continental. Đây là quán cà phê sang đầu tiên ở Catinat, sau là Tự Do, và ngày nay là Đồng Khởi.

Không thấy nhắc đến  Givral. Có lẽ vào cái thời mà Việt Minh chưa về Hà Nội và Sài Gòn vẫn là đô thị hải ngoại của nước Pháp, cái chỗ mà sau này mở Givral vẫn là tiệm thuốc tây Solirène. Givral là quán cà phê thứ hai ở Caninat, dành cho khách Việt thượng lưu, và có lẽ là quán đầu tiên sang trọng dành cho người Việt.

Có cái đầu thì có cái sau. Một trong hai quán mở sau, chính là Brodard, góc Catinat – Carabelli. Carabelli nay là Nguyễn Thiệp. Brodard là quán dành cho giới trẻ sành điệu Sài Gòn.

Brodard nay chỉ còn cái tên, cái quán xưa nay thành cửa hàng điện thoại. Givral đã chính thức tắt đèn sau cú phục sinh yếu ớt mà phô trương phù phiếm.

Cả hai quán một thời vang bóng ấy, sống lay lắt như giấc mộng nhòe của một thân xác phù hoa sống thực vật khi Sài Gòn đổi chủ. Sống thật lâu và chết thật nhạt, không để lại một cái tên khách nào, ngoài Phạm Xuân Ẩn, một huyền thoại đột nhiên trỗi dậy trước khi chết và sau vài chục năm sống mòn trong lạnh lẽo.

Giá mà nó chết thật nhanh, như giấc mơ lìa khỏi tấm thân vừa ngừng mạch máu, để lại cho đời những tên tuổi khách hàng còn vang bóng mãi. Giấc mơ ấy là tiệm cà phê La Pagode, cũng Catina, cũng tứ giác Eden, như Givral, nhưng ở góc dưới này, góc Catinat – d’Espagne (nay là Lê Thánh Tôn). La Pagode không dành cho khách tây, không hợp với giới trẻ sành điệu, và dân nhà giàu không tới đó. Nó dành cho những cư dân có tâm hồn sáng tạo và cách tân bậc nhất Sài Gòn lúc bấy giờ: họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn và nhà thơ. Họ là  Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, … và cả…Allen Ginsberg.

La Pagode giản dị, không cửa kính, không trang trí rườm rà, từ bàn ghế, cột kèo đến cửa sổ mở to, đều là những nét thẳng. Chủ quán là tây, phục vụ là gái Hoa, và khách quen là những tay lãng tử. Rất có thể, những ngày đầu tiên mở quán, quán đã đón cả anh lính trơn Alain Delon, lúc này đang phục vụ tại quân xưởng Sài Gòn (sau là Ba Son), dừng chân trước khi ghé rạp Eden xem phim Mỹ và bắt đầu ước mơ màn bạc của mình.

Chéo bên kia ngã tư, từ cửa La Pagode nhìn qua, là công viên Chi Lăng có cây cao xanh ngắt, nay đã thành vườn tiểu cảnh của Vincom. Năm 1963 Allen Ginsberg đến Sài Gòn. Chắc hẳn Vũ Hoàng Chương đã dẫn ông tới đây để tặng tập thơ Les vingt huit étoiles (Nguyễn Khang ấn quán) và sau này (qua bưu điện?) tập Nouveaux Poèmes Tân Thi do Nam Chi xuất bản. Ở đó, đúng hơn là ở bên Chi Lăng (Jardin P.Pages) ấy, Allen Ginsberg ở tuổi quá 30  và râu tóc xù tung, đã hét lên để đọc Howling của mình cho giới trẻ của Sài Gòn:

“who howled on their knees in the subway and were dragged off the roof waving genitals and manuscripts,

who let themselves be fucked in the ass by saintly motorcyclists, and screamed with joy,

who blew and were blown by those human seraphim, the sailors, caresses of Atlantic and Caribbean love,”

La Pagode đã chết. Chết sớm hơn nhiều so với cái sống lay lắt sau này của Givral. Có lẽ đó là một cái chết may mắn.

Khi quay trở lại Sài Gòn và mất Phượng. Fowler đã rất nhớ cô: “I thought of Phuong just because of her complete absence. So it always is : when you escape to a desert the silence shouts in your ear.”

Nếu Sài Gòn biết nhớ, hẳn La Pagode sẽ là tiếng vang của một sự tĩnh lặng y như vậy.

Và khi một người Mỹ vui vẻ nhận một cái replica của một bức thư tín xa xưa, có lẽ rằng họ không còn “quiet” nữa.

*

**
Một góc phố đầu tiên

cat2

Góc phố trong ảnh này cách có lẽ được chụp cách đây tầm một thế kỷ (khoảng 1920). Nó là cái góc đầu đường Đồng Khởi phía bến Bạch Đằng bây giờ. Bên tay phải hình, là tòa nhà số 2 đường Catinat (Đồng Khởi): khách sạn Grand Hôtel de la Rotonde. Trên lầu là văn phòng của hãng tàu Chargeurs Reunis. Đây là nơi Nguyễn Tất Thành đến xin lên tàu làm rửa bát (tàu Amiral Latouche Treville) năm 1911. Lúc Nguyễn Tất Thành lò dò đến đây xin việc thì bên tay trái của hình (số 1 Catinat) là một tiệm đổi tiền của người Ấn. Còn trong ảnh, chụp sau có lẽ khoảng chục năm thì đã là khách sạn Hôtel d’Annam (nhìn trên hình vẫn thấy chữ Nam Việt Khách Lầu) của một ông chủ người Hoa tên là Huỳnh Huệ Ký.

Lúc này chưa có khách sạn Grand – Saigon Đại Lữ Quán ở bên số chẵn, sát với Rotonde, và tất nhiên là chưa có khách sạn Majestic màu mè xa hoa của Huỳnh Văn Hòa (Hui Bon Hoa chú Hỏa) mọc đè lên Nam Việt Khách Lầu.

saigon majestic

Bù lại, phía số lẻ, chạy ngược lên một chút, qua góc Ngô Đức Kế bây giờ là các công ty in và cửa hàng sách. Trong đó có công ty của Nguyễn Phú Khai (chủ bút Tribune Indigene) ở số 29-31. Nguyễn Phú Khai học kỹ sư ở Pháp về, chủ trương người Việt làm doanh nghiệp, cạnh tranh với người Hoa vốn đang thao túng nền kinh tế. Ông Khai, cùng với Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long là những sán lập viên của đảng chính trị đầu tiên trên đất Việt Nam, là Đảng lập Hiến, một đảng có di sản rất lớn đến thể chế miền nam những năm sau (xem Vỏ hạt dẻ phần 1). Nguyễn Phú Khai có một cô con gái nhỏ nhắn xinh xắn, bỏ nhà đi làm cách mạng với một anh nhà báo đã có vợ. Anh này còn nổi tiếng với tên gọi “Hung thần chợ Đệm”, anh là người tham gia tổ chức CMT8 ở Sài Gòn và sáng lập an ninh T4. Không đến được với nhau, cô được Sáu Búa tổ chức cho cưới Ba Duẩn. Cô là Thụy Vân, người vợ miền Nam của anh Ba.

Nếu tính rộng ra, thêm một chút đi qua Charner và Krantz (đi bộ chỉ trong vài phút) thì còn có cơ sở của nhóm Minh Tân (Trần Chánh Chiếu, tờ Lục Tỉnh Tân Văn và khách sạn Nam Trung), và Chiêu Nam Lầu của Nguyễn An Khương (bố của Nguyễn An Ninh). Phan Chu Trinh từ Pháp về lại Sài Gòn chết năm 1926 ở cái Chiêu Nam Lầu này. Trước đó, ở Paris ông đã có thời gian sống cùng Nguyễn Tất Thành, lúc này đã chán rửa bát và quét tuyết nhưng chưa vẫn chưa là Nguyễn Ái Quốc (vẫn theo Vỏ hạt dẻ). Chiêu Nam Lầu ở số 49 Charner còn Lục Tỉnh Tân Văn ở số 6, khách sạn Nam Trung ở số 4 đường Krantz. Nam Trung là cơ sở kinh tài của Minh Tân.

11005651653_dfc0017df3_o

Trước khi Nguyễn Tất Thành đặt chân đến góc phố này mấy năm thì Trần Chánh Chiếu bị người Pháp tóm cổ (1908). Lúc đó người sáng lập ra Lục Tỉnh Tân Văn là Schneider vẫn còn tiệm sách ở tầng trệt khách sạn Continental, mặt nhìn ra phía Nhà Hát. Lúc đó bên kia đường chưa có quán cà phê Givral mà là Café de la Musique và cửa hàng thuốc lá La Civette. Café de la Musique sau trở thành Pharmacie Solirène rồi thành Givral. Trong một bức ảnh đen trắng hiếm hoi chụp thời gian này ta thấy cả ba cửa hàng: Librairie-Imprimeur F.-H. Schneider, Café de la Musique, La Civette. Chủ của La Civette cũng là một người làm báo, ông lập ra tờ L’Independant có quan điểm phản biện chính quyền ở Sài Gòn.

Palace Hotel

Sau cái thời gian này chừng 10 năm, Catinat có thêm Sài Gòn Đại Lữ Quán (Saigon Palace Hotel). Khách sạn này có license từ khoảng 1930, ở góc Vannier (Ngô Đức Kế) – Catinat (Đồng) Khởi bây giờ. Lúc đầu tên là Grand Hotel. Đến năm 1937 đổi thành Saigon Place Hotel, đến gần 1958/1959 (chắc do phản thực đả phong) có thêm tên Việt là Sài Gòn Đại Lữ Quán. Bây giờ nó lại có tên là Grand Hotel và mở rộng ra đến tận Hồ Huấn Nghiệp. Góc Hồ Huấn Nghiệp đầu thế kỷ trước rất đẹp. Cái góc sau là Paloma nổi tiếng một thời ấy. Hồ Huấn Nghiệp là tên sau này, tên cũ là Turc, đặt theo tên thị trưởng đầu tiên của Sài Gòn.

Thế là, vậy là thế đấy, cách đây khoảng 90, 100 năm, ở cái góc con con này của Sài Gòn đã có những chuyện lịch sử như thế. Kể từ ngày công viên Chi Lăng bị đốn hạ để xây Vincom, Sài Gòn cũ coi như đã chết. Vườn hoa Chi Lăng (Jardin P. Pagès) cực đẹp là nơi tôi và bạn bè đã đốt bao nhiêu buổi tối của tuổi trẻ bằng thuốc lá rẻ tiền. Và cái Sài Gòn cũ kỹ ấy đã chết hẳn khi cách đây mấy tháng tòa nhà có mặt tiền art-deco đẹp đẽ số  213 Catina/Đồng Khởi đã bị đập bỏ (sau bao thăng trầm đổi tên, số nhà ở Đồng Khởi không thay đổi). Lúc mới ra đời, tòa nhà này là cao ốc đẹp và hiện đại bậc nhất Đông Nam Á. Mật thám Marshel Bazin, nhà văn kiêm điệp viên Graham Greene, các nhân vật ngoại giao và văn phòng lãnh sự, các hiệu thời trang lớn …đều có mặt ở đây. Đối diện bên kia là cà phê Pagode. Còn trước khi Pagode hiện hình, ở chỗ đó là hàng rượu Champagne Moët & Chandon .

Tất nhiên khi đập cái cũ đi để xây cái mới, ta có quyền hy vọng cái mới tốt đẹp hơn. Chỉ có điều người quyết định cái mới đó có tốt đẹp hơn hay không, lại không phải là chúng ta các bác ạ.

*

**

Hạ tầng đô thị SG ngày đầu.

Đường cáp viễn thông đi dưới biển nối Sài Gòn và Hải Phòng năm 1888. Trước đó 4 năm, là năm 1884 đã nối được Hải Phòng và Hong Kong. Điện tín có ở Sài Gòn năm 1861, nối từ SG đi đến Biên Hòa và Mỹ Tho. Điện thoại bắt đầu có vào năm 1894.

Dự án thắp sáng công cộng đầu tiên là ở Catinat (Đồng Khởi) năm 1865 nhưng đến 1867 mới thực hiện được. Đèn thắp bằng dầu dừa, hàng ngày có người đi thắp lửa (giống trong Little Prince). Đến năm 1869 thì thay dầu dừa bằn dầu hỏa và sử dụng đến tận sau này khi đã có điện. Năm 1889 có dự án thắp sáng đèn đường bằng điện. Sử dụng đèn dây tóc, đèn hồ quang, đèn Edison. Sau đó đắt quá dừng lại. Đâm ra Hải Phòng lại là thành phố thắp sáng bằng điện trước Sài Gòn.

Tân Sơn Nhất khởi công năm 1914. Sở hàng không dân dụng Đông dương được Toàn quyền lập năm 1918. Đường bay HN SGN thiết lập, chuyến bay đầu tiên là năm 1923. Đến năm 1931 có chuyến Paris – Sài Gòn (2 chiều) đầu tiên.

Hãng Air Orient đặt văn phòng ở Catinat vào năm 1931.

Năm 1950, Tân Sơn Nnất là sân bay bận rộn ngang sân bay Paris. Tân Sơn Nhất là 10 phút/chuyến. Sân bay Paris là 8 phút chuyến. (Có lẽ đó là thời điểm chiến tranh Pháp Việt nên nhiều chuyến bay đến Sài Gòn). Bay từ Sài Gònđi Marseille mất …12 ngày do phải transit rất nhiều. Không rõ Tân Sơn Nhất bây giờ bao nhiêu phút một chuyến, và so với Paris thì thế nào???

Tuyến xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho khởi công 1882, hoàn thành 1886. Dài 70 km và là tuyến đường sắt đầu tiên ở VN. Nhà ga đã phá, nay là khu đất vàng, hiện là công viên.

Đường sắt Sài Gòn – Hà Nội hoàn thành năm 1936. Trước đó, 1931, đã có tuyến Hà Nội – Đà Nẵng và Sài Gòn-Nha Trang. Tốc độ tàu hỏa lúc đó đi Sài Gòn – Hà Nội mất 62 tiếng (nghỉ khoảng 10 tiếng ở Đà Nẵng và đi xe hơi 10 tiếng từ Nha Trang – Đà Nẵng.

Đường sắt đô thị, nay HCMC mới đấu thầu được vài tuyến, thì SGN ngày xưa đã có, tuyến đầu tiên là Sài Gòn – Đa kao, đi vào sử dụng năm 1896.

Tuyến xe điên đầu tiên chạy Sài Gòn – Chợ Lớn năm 1914.

*

**

execution-justice-de-paix-charner

Trong ảnh là cảnh tử hình bằng máy chém ở Sài Gòn. Tất nhiên là rất lâu rồi. Thời Pháp.

Cũng địa điểm này, mới gần đây, anh Huỳnh Ngọc Chênh tọa kháng một mình.

Nơi chính là đài phun nước trên đường Nguyễn Huệ.

*

**

Có một phim tài liệu tên là Watch Me. Phim tài liệu kể  về  nhạc trưởng Yoshikazu Fukumura người Nhật tới Hà Nội năm 1992 để dựng bản giao hưởng số 5 của Tchaikovski. Đây là buổi hòa nhạc, mà nhiều người, trong đó có tôi, lần đầu tiên được nghe “giao hưởng” ở Nhà Hát Lớn.

Trong phim có một đoạn ngắn, các nhạc công đi vào Sài Gòn để biểu diễn. Họ trọ trên một khách sạn cao tầng. Nếu tôi không nhầm, cũng quãng thời gian này có vụ án Pierre Tân nổi tiếng. Xảy ra đúng ở cái khách sạn cao tầng ấy (Century).

Quãng năm 1996, tôi có vô tình gặp hai anh bị bắt trong vụ án này. Một anh bị bắt vì thiết kế giấy mời cho bữa tiệc của Pierre Tân. Anh còn lại khi thấy bạn mình bị bắt, chỉ nói đổng một câu: “không có văn hóa đồi trụy, chỉ có con người đồi trụy”, thế là cũng bị bắt luôn. 

Trong vài giây ngắn ngủi, trong bộ phim Watch Me, máy quay lướt  từ tầng cao của khách sạn qua nóc tòa nhà phía bên kia đường.  Đó là tòa nhà Tòa Hòa Giải – Justice de Paix.

*

**

Tòa hòa giải nằm trên đại lộ Charner, đại lộ chính của thành phố Sài Gòn, nay là Nguyễn Huệ. Đầu đường là bờ sông Sài Gòn (Quai de Commerce), cuối đường là tòa nhà Ủy ban (Hôtel de Ville).

Cái chỗ chém người bằng máy chém trong ảnh trên, là ở ngay trước Tòa Hòa giải.

*

**

Cái nhà Hòa giải ấy nay không còn nữa.

Thay vào đó là tòa tháp Sun Wah Tower.

Cái đồng hồ nổi tiếng đứng trước Sun Wah, đúng cái chỗ để máy chém mỗi lần hạ xuống là máu phun của ngày xưa, cũng không còn nữa. Thay vào đó là đài phun nước.

Có một hôm trưa nắng và không phun nước. Có anh Chênh một mình ra ngồi ở đấy.

***

Một vài bài khác về Sài Gòn:

Nỗi nhớ đơn nan và lưỡng nan

Màu xanh lá cây

Sài Gòn 68

Thư phòng hồ điệp

Ban nhạc chạy trốn

Rồng đỏ Khám lớn

Mặt trời xuống biển trăng lên núi

Ký ức đô thị

About Blog của 5xu

Ti hí nhìn đời
Bài này đã được đăng trong sống và được gắn thẻ , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

4 Responses to Sound of Silence

  1. thichhoctoan nói:

    Catina hay Catinat nhỉ?

  2. Rue Catinat mà anh (theo tên cái ông Nicolas Catinat). Cái Eden, giờ là Vincom, nghe nói sắp đổi tên thành Catinat.

  3. Le Vi Ly nói:

    Vụ đổi tên hủy rồi anh. Không được dùng Catinat, họ sẽ phải chọn một cái tên khác 🙂

  4. Givral thì không cạnh tranh giành cái khoảng đất đắt giá ấy với Vincom được. Nên giờ họ mở 1 cái Givral ở 40 Võ Văn Tần, bàn ghế kiểu cũ, cửa hàng kiểu cũ, thức uống và bánh thì vẫn như cũ, tuy phục vụ thì kiểu mới 😀

Đã đóng bình luận.