Hạt nhân, tên lửa, bán dẫn (Israel Mỹ Thổ Nga Iran Tàu)

Mohajer-6

Israel có thái độ lừng khừng suốt từ đầu cuộc chiến Ukraine cho đến khi Iran công khai hỗ trợ Nga sản xuất các drone tự sát giá rẻ.

Shahed-131 và Shahed-136 là các drone tự sát mà Iran cấp cho Nga và phiến quân Houthi ở Yemen. Phiên bản của Nga có tên Geran 2. Drone tự sát này trước đây được xếp vào loại “đạn treo” do nó có khả năng bay lơ lửng rập rình đợi cơ hội lao xuống mục tiêu.

Shahed-136

Gần đây Israel cung cấp cho Ukraine các súng bắn drone Smash2000 Plus. Đây là súng bắn drone có lẽ tốt nhất thế giới bây giờ, với chip xử lý ảnh và giải thuật tìm diệt mục tiêu cực kỳ tinh xảo có thể phân biệt được drone bạn hay drone thù bất kể sử dụng ban ngày hay buổi đêm. Smash2000 Plus là phiên bản mới nhất, được nâng cấp thêm phần counter-UAS với chức năng phát hiện drone kẻ thù từ xa rồi triệt hạ bằng cách phá sóng. Các drone tự sát rẻ tiền thường nhỏ, bay thấp và bay chậm nên các radar phòng không dễ để lọt. Với các súng bắn drone này Ukraine sẽ tác chiến hiệu quả hơn trong việc chống drone tự sát. Súng này còn có thể khống chế UAV chiến đấu Mohajer-6 mà Iran cấp cho Nga hè vừa rồi.

Smash2000 Plus

Mohajer-6 là máy bay trinh sát và tấn công không người lái (UAV). Nó được điều khiển từ xa nên trần bay và bán kính hoạt động của nó không quá lớn. Trần bay tầm 7km và bán kính tối đa 500km. Tốc độ bay cực đại của nó cũng chỉ khoảng 200km. Mohajer-6 điều khiển được con Shahed-136 tấn công các mục tiêu mặt đất. Tự thân nó mang được bốn quả đạn có dẫn đường chính xác cao. Một quả đạn do Ukraine thu được sản xuất tháng Năm năm 2022. Nhờ súng của Israel cung cấp, quân Ukraine đã tìm cách “bắt và hạ cánh” được một con Mohajer-6 nguyên vẹn và chuyển cho Israel.

Cũng có tin nói trên thực tế Israel còn cung cấp cả robot bay chiến đấu Smash Dragon cho Ukraine. Đây là drone có gắn súng máy. Nó là một robot bay có vũ trang với các hệ thống điều khiển và phần mềm rất cao cấp. Ngoại hình của nó nhìn như trong phim viễn tưởng. Nó vừa bay vừa bắn được các mục tiêu trên mặt đất và drone của địch trên không bất kể mục tiêu đang di chuyển trên mặt đất thế nào, hay drone địch bay lượn trên không ra sao.

Smash Dragon

Cả Smash2000 Plus lẫn Smash Dragon đều do công ty Smart Shooter của Israel sản xuất.

Các mảnh vỡ drone Shahed-131/136 và Mohajer-6 thu được ở chiến trường Ukraine cho thấy hầu hết được sản xuất trong năm 2020-2021, phần cứng khá cao cấp, và hơn 80% là do các cty Mỹ sản xuất. Phần còn lại là Nhật và nhiều nước khác. Chưa rõ Iran, vốn bị cấm vận, đã mua các linh kiện điện tử này từ đâu (nhưng khả năng cao là Nga mua và cung cấp cho Iran.) Qua năm 2022 thì Nga cũng bị cấm vận nốt, nên họ phải mua linh kiện điện tử thông qua Armenia và Kazakhstan là hai nước chư hầu. Linh kiện điện tử, ví dụ như chip xử lý, ở thiết bị dân dụng hiện nay đều có thể sử dụng cho quân sự (tất nhiên độ chính xác, nhanh, nhẹ, hiệu quả sẽ không bằng linh kiện sản xuất cho mục đích quân sự).

Để trả nợ 160 con drone do Iran cung cấp, Nga hứa cung cấp cho Iran khoảng 60 máy bay chiến đấu SU-35 cũng như chuyển giao các vũ khí hiện đại của phương Tây mà Nga thu ở chiến trường cho Iran (chủ yếu là tên lửa NLAW,  Javelin và Stinger). Rất nhiều công nghệ hiện đại mà Iran đang nắm giữ là nhờ mổ xẻ vũ khí phương tây để học hỏi. Kính ngắm bắn hồng ngoại trên UAV Mohajer-6 là do Iran thuổng thiết kế kính hồng ngoại của Ophir Optronics Solutions (là một công ty Israel).

Iran và Nga cũng chuyển giao công nghệ cho nhau. Iran cấp phép cho Nga tự sản xuất drone ở ngay Moscow. Còn Nga cung cấp cho Iran công nghệ tên lửa siêu bội âm. Vừa rồi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (CGRI) của Iran công bố họ đã phát triển thành công tên lửa đạn đạo siêu bội âm có thể bắn đến Israel và châu Âu. Công bố này đáng tin cậy vì trước đó Iran đã phóng thành công tên lửa đạn đạo mang vệ tinh lên quỹ đạo trái đất.

Quan hệ hai chiều còn nồng ấm hơn nữa khi Iran chuyển cho Nga máy bay không người lái tấn công Arash-2 phiên bản mới nhất của họ (sản xuất tháng Chín năm 2022). Con UAV Arash-2 này tiếng Việt gọi là “đạn tuần kích”. Lý do là vì con UAV này hoạt động giống một con hỏa tiễn hành trình nhiều hơn UAV. Nó bay rất xa, tầm 2000km, bay thấp và tốc độ thấp. Nó có khả năng nhào lộn và chuyển hướng. Ở phase cuối nó có thể bay như đi tuần (patrol) trước khi tấn công (kích) xuống mục tiêu. Nó không chỉ bay xa hơn mà còn mang được đầu đạn nặng hơn Shahed 136. Đạn tuần kích Arash-2, nhờ các ưu điểm như vậy mà có thể bắn tới Tel Aviv và vượt qua được lưới phòng không Iron Dome nổi tiếng của Israel. Về mặt chi phí, nó rất phù hợp với Nga. Con hỏa tiễn Kalibr hoặc Tomahawk đắt cả 1-2 triệu đô la, con Shahed-136 và Arash-2 chỉ tốn vài chục ngàn đô la. Và vì rẻ nên có thể phóng ào ạt với số lượng lớn. Khi bị tấn công ào ạt thì các hệ thống phòng không tốt đến mấy cũng không chống đỡ nổi.

Arash-2

Iran chuẩn bị ký thỏa thuận hạt nhân, để đổi lấy việc được xuất khẩu trở lại dầu và khí, thì Nga đã thuyết phục họ dừng việc này bằng cách cung cấp cái mà Nga rất giỏi: công nghệ hạt nhân. Iran đã khởi động lại đồng thời nâng cấp các máy ly tâm dùng để tách đồng vị Uranium 235 (U235).  Urainium tự nhiên chủ yếu là đồng vị 238 (U238) (chiếm tới 99,284%. U238 không phân hạch tự nhiên được mà là đồng vị U235. Nhưng U235 lại chiếm tỷ lệ rất thấp (0,711%), do đó phải làm tăng tỷ lệ % này lên, quá trình này gọi là làm giàu Uranium. Còn Uranium được làm giàu cũng chia làm nhiều loại, loại làm giàu thấp (vài %) được sử dụng trong y tế và năng lượng. Còn làm giàu cao (từ 20% trở lên) có thể dùng trong quân sự.

Iran có hai cơ sở làm giàu Uranium, một ở ở Natanz một ở Fordo. Theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 thì Iran được làm giàu uranium đến 3,67 %. Nhưng gần đây Iran công bố họ đã làm giàu đến 60% ở Natanz và sắp tới là Fordo. Ở Natanz họ đã xây dựng hai hệ máy ly tâm để tách đồng vị là IR-2 và IR4. Hai hệ máy này nhanh và mạnh hơn các hệ thống mà Iran có trước đây.  Còn ở Fordo họ sẽ thay máy IR-1 cũ kỹ bằng IR-6 mạnh và nhanh hơn gấp mười lần.

Quan hệ của Iran với Nga chuyển làn từ nồng ấm qua hạt nhân và hỏa tiễn khiến cho Israel lên tiếng hứa cấp tên lửa đạn đạo có dẫn đường chính xác cao cho Ukraine. Từ những năm 1960 Israel đã có chương trình phát triển các hệ thống tên lửa đẩy để đưa vệ tinh lên quỹ đạo trái đất tên là Shavit (nghĩa là Sao Chổi). Cũng như mọi chương trình không gian khác, kể cả SpaceX của Elon Musk, các chương trình này đều thuộc lĩnh vực quân sự. Từ Shavit mà Israel phát triển các tên lửa đạn đạo Jericho I, II và III. Tên lửa Jericho III thì Israel chưa bao giờ thừa nhận, nó thực sự là tên lửa liên lục địa, tầm bắn trên 4000km, đầu đạn có thể nặng gần 1500kg (để có thể bắn vào đất Pakistan ở rất xa Israel). Tên lửa Jericho I họ đã ngừng sản xuất từ những năm 1990 nhưng nếu họ đưa Ukraine sử dụng thì với tầm bắn 500km cộng với độ chính xác được nâng cấp thì Nga cũng khá khó thở.

Bên cạnh Jericho, Israel còn có tên lửa tấn công tầm xa (quasi ballistic/giả đạn đạo) tên là LORA bắn xa 280km, tốc độ siêu bội âm, sai số CEP có 10 mét (nếu nó mang đầu đạn nặng tối đa, lên tới 600kg, thì tầm bắn giảm xuống 180k). Tên lửa LORA được xếp cùng hạng với Iskander của Nga và Fateh-110 của Iran. Tên lửa đạn đạo chiến thuật thì Israel có  Predator Hawk, bắn xa tầm 350km, sai số CEP cũng chỉ 10 mét.

Trong quá khứ Israel đã cấp vũ khí cho Azerbaijan để tấn công vào đất Armenia.

Một nước khác cũng cung cấp drone cho Azerbaijan tấn công Armenia là Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này cũng cung cấp UAV tấn công Bayraktar cho Ukraine để chống lại Nga. Thổ là nước hiếm hoi dám bắn hạ máy bay chiến đấu Nga năm 2015 (máy bay Su-24), phi công Nga nhảy dù xuống cũng bị bắn chết luôn. Khi chiến tranh Nga Ukraine nổ ra, Thổ cấm tàu chiến Nga đi qua eo biển  Bốt Pho để vào Biển Đen rồi sau đó cấm Nga bay (kể cả máy bay dân sự) qua không phận mình để qua Syria.

Thế nhưng mới đây Thổ Nhĩ Kỳ công bố sẽ xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của họ. Hoàn toàn do Nga hỗ trợ từ công nghệ, tiền xây dựng, và vận hành. Để đổi lại, Thổ cho Nga sử dụng cảng thương mại nằm ở tỉnh Mersin. Cảng này nằm trên bờ biển Địa Trung Hải. Thổ và Nga ủng hộ các phe khác nhau ở Syria, nhưng từ năm 2015 Thổ đã cho Nga mua các tàu thương mại của Thổ để vận chuyển vũ khí vào Syria dưới vỏ bọc tàu thương mại. Iran cũng can thiệp vào cuộc chiến Syria, và sự can thiệp của Iran lại có lợi cho kẻ thù của họ là… Israel.

Nhà máy điện này tên là Akkuyu Nuclear Power Plant, cách một quân cảng của Nga đặt ở Tartus (Syria) khoảng 150km.

Nhà máy điện nguyên tử liên doanh Nga Thổ trị giá 20 tỷ đô la, có bốn lò phản ứng hạt nhân, dự kiến sẽ vận hành vào 2023, đáp ứng 10% điện của Thổ vào năm 2026. Nó được sở hữu và vận hành bởi  công ty Akkuyu Nukleer (là chi nhánh hải ngoại của tập đoàn nguyên tử Nga tên là Rosatom) và một công ty bản địa của Thổ tên là TSM Enerji. Công ty TSM Enerji lại bị sở hữu bởi ba công ty khác, đều là của… Nga. Nhà máy điện này tên là Akkuyu Nuclear Power Plant, cách một quân cảng của Nga đặt ở Tartus (Syria) khoảng 150km.

Giá trị đầu tư 20 tỷ của nhà máy điện nguyên tử đang bị các phe đối lập ở Thổ soi, họ cho rằng giá trị đầu tư thật chỉ bằng 1/10, nếu tham chiếu tới các nhà máy điện nguyên tử khác ở nước khác đã xây xong. Cảng Mersin cũng được cho là bị biến thành cái hub biển để vận tải biển Delo Group lớn nhất của Nga (cũng có 49% sở hữu của Rosatom) nhập hàng cấm vận về Nga, cũng như dùng cho các mục đích quân sự.

Có rất nhiều công nghệ nghe thì dân sự, nhưng dễ biến thành quân sự. Ngày xưa không quân Anh đói quá đã phải bán thiết kế động cơ phản lưc Roll Royce Nene Jet cho Liên Xô đồng thời cam kết không được dùng cho mục đích quân sự. Tất nhiên Liên Xô ngu gì, và họ đã làm ra được MIG-15 từ đó. Hiện nay phương Tây gần như bó tay việc ngăn chặn các nước thù địch chuyển giao công nghệ tên lửa và hạt nhân cho nhau. Họ tìm cách ngăn chặn những công nghệ khác, đó là bán dẫn. Bán dẫn là chất liệu nằm giữa dẫn diện và cách điện (nên tên nó là bán dẫn). Nhờ tính năng đặc biệt này mà nó có thể điều khiển dòng điện chạy trong các mạch điện bán dẫn (IC, chip và các linh kiện điện tử) để thực hiện một tính năng hay nhiệm vụ gì đó do con người thiết kế. Đỉnh cao của ngành bán dẫn là làm ra các con chip bé tí nhưng có thể điều khiển được điện thoại, hoặc tên lửa.

Làm con chip về lý thuyết không khó. Ngay cả thiết kế ra con chip cũng không quá khó, hoặc khó quá thì đi ăn cắp. Apple là công ty làm máy tính và điện thoại lâu đời, nhưng gần đây họ mới làm chip. Họ không có bản kiến trúc chip riêng, mà họ lấy license kiến trúc từ ARM. Họ tự thiết kế con chip riêng của mình dựa trên kiến trúc ARM rồi đem đi sản xuất. Họ cũng không có nhà máy sản xuất mà họ thuê cty Đài Loan là TSMC làm. (Nhà máy làm chip gọi là fabrication, viết tắt là Fab. Các công ty làm chip mà không có nhà máy như Appe gọi là Fabless.).

Nhưng để làm được con chip thật, thành hình thành hài, thì cần rất nhiều máy móc và công cụ đắt tiền. Mỹ cấm vận luôn TQ mảng này. TQ sẽ không sản xuất được vật liệu đủ cao cấp, tinh chất để làm chip. Không có phần mềm đủ mạnh và tinh xảo để thiết kế chip. Không có các máy in khắc (thạch bản) luôn. Khi nghe đến con chip này công nghệ bao nhiêu nanomet thì đó là nhờ công nghệ khắc bản in để đổ ra con chip. Tiếng Anh thì in thạch bản chip cũng chính là lithography technology, y như công nghệ in thạch bản như đảng ngồi trong hang tin tài liệu ở Pắc Bó. Chỉ có điều nó in được mạch bán dẫn nhỏ đến 5 nanomet; một nanomet là 1 phần tỷ mét, tức là vô cùng mỏng. Máy khắc để in chip lên các tấm bán dẫn gọi là wafer, wafer nghĩa đen là cái bánh tráng, vì wafer bán dẫn nhìn y như vậy. Tất cả các máy móc và công cụ này đều cực kỳ đắt tiền, chỉ vài nhà sản xuất máy chế ra được, và cũng chỉ có vài hãng làm chip lớn như Intel, Samsung hoặc nhà gia công chip lớn như TSMC là đủ giàu để mua về đem ra sử dụng. Ngoài ra, như Tàu hiện đã bị Mỹ cấm vận mảng này (Biden ký luật) nên dù có tiền cũng không mua được máy móc và công nghệ.

PS 1:

World Cup và xáo trộn twitter làm các tin tức Ukraine lu mờ trên không gian mạng. Ba ngày trước Ukraine công bố họ đã test thành công drone tự sát loại mới, bay xa tới 1000 km và mang đạn nặng tới 75kg. Và một ngày sau, họ choang luôn hai sân bay quân sự là Engels (Engels Air Base) cách Ukraine tới 700km và sân bay Dyagilevo.

Các máy bay ném bom chiến lược TU-95 mà Nga dùng để tấn công hạ tầng điện Ukraine được cho là nằm ở sân bay Engels (22-27 cái, và dùng khoảng hơn 10 cái để bắn tên lửa vào hạ tầng điện của Ukraine). Đây là máy bay ném bom chiến lược hạng nặng của Liên Xô và là niềm tự hào của không quân Liên Xô/Nga. Ảnh vệ tinh cho thấy dường như hai máy bay TU-95 bị hỏng.

Xét về mặt chi phí và lợi ích thì drone của Ukraine rẻ hơn máy bay ném bom TU-95 nhiều. Quan trọng hơn nữa, tầm bay của drone và tính chính xác của nó chỉ cần tương tương vụ đánh Engels thì điện Kremlin ở luôn trong tầm chiến đấu của nó.

Vị trí hai sân bay bị tấn công hôm qua nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Sân bay Dyagilevo nằm ở Ryazan là sân bay hậu cần và huấn luyện dành cho máy bay chiến đấu tầm xa. Sân bay Engels ở Saratov (nơi có nhà máy làm tủ lạnh saratov rất phổ biến ở HN ngày trước) thì là sân bay đóng quân của các đơn vị máy bay ném bom chiến lược (mang được cả vũ khí hạt nhân) và có cả máy bay ném bom siêu âm.

Ukraine cải tạo máy bay trinh sát không người lái Tu-141 của không quân Xô Viết. Máy bay này dừng sử dụng năm 1989 ở Nga. Trước đó nó dùng để bay trinh sát dọc biên giới Đông Âu và các nước phương tây. Năm 2014 khi có chiến sự Donbas thì Ukraine đem ra sử dụng. Đến chiến trang Nga-Ukraine thì họ biến Tu-141 từ trinh sát không người lái thành UAV tấn công tự sát. Con này bay bằng động cơ phản lực, nếu không gắn vũ khí nó bay được cả ngàn km, vận tốc cao nhất lên tới 1100km/h. Tháng 3 vừa rồi Ukraine từng dùng con này để tấn công vào đất Nga mà nó bay lạc: bay qua Rumani, Hungary rồi rơi xuống thủ đô Croatia.

PS 2:

Morris Chang phát biểu: 25 năm qua chứng kiến rất nhiều thay đổi, một thay đổi lớn về địa chính trị. Đến nay, toàn cầu hóa đang ngắc ngoải, thương mại tự do cũng gần chết. Nhiều người vẫn ước rằng điều này sẽ quay lại, còn tôi thì nghĩ còn lâu.

Morris Chang phát biểu ở lễ khai trương nhà máy sản xuất chip của TSMC ở Mỹ (đặt ở Phoenix nên gọi là Phoenix Fab). TSCM là nhà sản xuất (gia công) chip lớn nhất thế giới, nó sản xuất 90% chip công nghệ cao (như của iphone) và 52% các loại chip nói chung. Apple, Nvidia, AMD đều là khách hàng của nó. Tức là nó rất khổng lồ.

Morris Chang (sinh 1931) là Mỹ gốc Đài Loan, học Stanford và MIT, là chủ của TSMC và do đó là cha đẻ của ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan.

TSMC là cty Đài Loan, nhưng do chính sách của Mỹ gần đây nên nó phải mang nhà máy về Mỹ (đầu tư khoảng 40 tỷ đô la). Trong phát biểu, Morris Chang nói để làm vậy ông ấy thuê 600 kỹ sư Mỹ rồi gửi về Đài Loan đào tạo 1 năm rưỡi. Rồi hiện nay cũng đang làm vậy với một lứa kỹ sư nữa. Và sẽ cần cả ngàn người nữa đi Đài Loan đào tạo như vậy thì mới làm được chip ở Mỹ. Vì ngay cả Mỹ cũng không có kỹ sư đủ giỏi và nắm được know-how để làm chip cao cấp như chip cho Apple. Cho nên ông nào ở VN nói VN sẽ làm chip thì 110% là bốc phét. Hoặc là làm được con chip thô kệch, to đùng, chạy chậm và ngốn điện.

TSMC về Mỹ, thì tương lai chip sẽ đúng là “Made in USA” vì cả R&D lẫn gia công đều ở Mỹ. Cái ý toàn cầu hóa đã chết cũng là đúng đấy. Các thần đằng ở đỉnh Đinh Bà Sơn không biết có hiểu không.

(Đến Tết năm nay số lượng công nhân bị mất việc chắc chắn phải tính bằng đơn vị triệu. Các thần đằng vẫn đòi giải cứu BĐS và trái phiếu. Ngay cả việc này, xin các vị đọc Phải Trái Đúng Sai của Giáo sư giáo sư Michael Sandel (Harvard) mà NXB Trẻ đã dịch ra tiếng Việt cho dễ đọc. Chỉ cần đọc đúng 28 trang đầu tiên, không cần nhiều, các vị sẽ thấy việc giải cứu BDS sẽ gây ra một sự phẫn nộ kinh khủng của nhân dân, vì đẩy họ vào ngưỡng có cảm thức bất công cực kỳ rõ nét mà tuyên giáo không cách gì xoa dịu nổi.)

Trong ảnh là Tim Cook đi dự lễ TSMC, báo nói có cả Biden đến, mà ko thấy ảnh.

*

**

Ground Launched Small Diameter Bomb

Cuối tháng này là tròn một năm Nga tấn công Ukraine. Suốt từ cuối thu đầu đông đến giờ Nga dồn sức đánh Bakhmut nhưng phải đến hai tuần gần đây họ mới tấn công dữ dội. Nga tuyên bố là họ đã xuyên thủng phòng ngự của Ukraine và đẩy mặt trận lùi ra xa (về phía tây) thêm 2km.

Đầu tháng này Mỹ tuyên bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, trị giá 2,175 tỷ đô la, trong đó có một loại vũ khí mới tên là “GLSDB glide bomb”. Loại vũ khí này được tính là “pháo binh” do nó được bắn đi từ các dàn phóng phi pháo (MLRS), nhưng cũng được tính là hỏa tiễn do dùng động cơ rocket, còn tên gọi của nó thì lại là bom. GLSDB là viết tắt của: Ground Launched Small Diameter Bomb.

Đầu tiên là chữ bomb. Nó đúng là quả bom thật, do hãng SAAB của Thụy điển làm ra. Nó được phát triển từ một loại bom kích cỡ (bán kính) nhỏ, Small Diameter Bomb, của Boeing tên là GBU-39/B. Bom kích cỡ nhỏ là để máy bay chở được nhiều bom, bù lại các quả bom này đều là bom thông minh, có hệ thống dẫn đường chính xác.

Trong hình đầu tiên là thành phố Dresden của Đức bị không quân Mỹ và Anh ném bom rải thảm đúng ngày này nhưng là năm 1945. Rải thảm (carpet-bomb) đúng như tên của nó, là bay hàng đàn trên trời và trải thảm bom xuống đất.

Ngược với trải thảm là bổ nhào (dive). Hồi đó máy bay và bom chưa thông minh, nên để ném bom chính xác thì máy bay phải bổ nhào (góc 60 độ) nhắm vào mục tiêu, gần đến nơi thì cắt bom còn máy bay ngóc đầu bay lên. Nhưng bổ nhào như vậy rất nguy hiểm vì pháo phòng không nó bắn lên là chết. Nên cuối thế chiến 2 thì họ chuyển qua bổ nhào nông (shallow dive), góc bổ nhào nhỏ hơn 60 độ, bổ nhào một quãng ngắn thì thả bom, quả bom có vây và cánh nhỏ sẽ lượn (glide) xuống mục tiêu.

Đây là lý do có tên “gliding bomb”. Loại bom này do Đức nghĩ ra.

Các gliding bomb hiện đại có hệ thống dẫn đường, như GBU của Boeing có dẫn đường quán tính INS (inertial navigation system) được hỗ trợ thêm bằng dẫn hướng GPS và có tìm mục tiêu pha cuối bằng radar, hồng ngoại và laser.

Vì là bom nhỏ và ném chính xác nên mục tiêu của nó là các cơ sở quân sự cố định như kho xăng dầu, nhà đỗ máy bay, công sự. Cộng thêm các radar dò tìm sóng radio và detector để tầm nhiệt (hồng ngoại) thì bom này có thể tự phát hiện các mục tiêu có phát sóng (trạm chỉ huy) hoặc phát nhiệt (xe tăng). Nó cũng có thiết bị chống phá sóng dẫn đường (jamming) đồng thời cũng phát hiện ra các trạm phát phá sóng để tiêu diệt.  

GLSDB, có chữ ground launched, tức là nó được bắn đi từ các dàn phóng phi pháo (MLRS) mà Mỹ có sẵn và đã cấp cho Ukraine là HIMARS và M270.

Các dàn phi pháo này có thể bắn đạn phản lực có tầm bắn 70km và bắn cả hỏa tiễn chiễn thuật (ATACMS) xa 300km. Mỹ chưa đồng ý cấp ATACMS cho Ukraine, nhưng nay họ cấp GLSDB có tầm bắn 150km. Tức là Ukraine sắp có loại đạn hỏa tiễn “bắn như bom” xa tới 150km, tức là nằm ở giữa hai loại đạn phản lực và hỏa tiễn nói trên, và là vũ khí có tầm xa nhất mà phương Tây cung cấp cho Ukraine đến thời điểm này.

Từ bệ phóng, GLSDB được phóng lên cao bằng động cơ tên lửa, khi đạt độ cao nhất định thì động cơ tên lửa ngắt ra khỏi quả bom, quả bom lúc này sẽ tự động xòe vây ra và lượn xuống mục tiêu đã được lập trình để  nhắm tới.

GLSDB rất phù hợp với chiến trường Ukraine vì hệ thống phòng không hiện đại rất khó đánh chặn, đặc biệt là các hệ thống của Nga như Pantsir-S1 sẽ bó tay. Lý do đơn giản là sau khi ngắt động cơ tên lửa ra và lượn như tàu lượn, cộng với kích cỡ nhỏ thì rất khó bị detect và bắn hạ. Ngoài ra, Ukraine là chiến trường đồng bằng với làng mạc và đô thị rải rác, lính trinh sát Ukraine có thể dùng drone để định vị các mục tiêu cố định và pháo binh sẽ lập trình GSP dẫn đường cho bom bay tới. Với các mục tiêu di động hoặc các hỏa điểm thay đổi liên tục vị trí thì trinh sát Ukraine có thể đánh dấu bằng laser (laser designator) để bom nhận biết ở pha cuối (laser homing) và lao xuống. Độ chính xác của loại bom này được Boeing nói là có thể bắn trúng mục tiêu có đường kính 102cm. SAAB thì nói có thể bắn chính xác, trong mọi điều kiện thời tiết, vào mục tiêu có kích cỡ bằng cái lốp xe hơi. Cả SAAB và Boeing đều nói bom này có thể phá hủy xe thiết giáp và các công sự kiên cố.

***

Mỹ mới cung cấp cho Ukraine JDAM-ER. Nó là bộ kit dẫn đường (guidance kit) để gắn vào các quả bom ngu (dumb bomb) để biến mấy quả bom này thành bom thông minh. JDAM có chữ J là joint, vì nó là sản phẩm hợp tác Hải quân và Không quân Hoa Kỳ, nhà thầu là Boeing. DAM là direct attack munition, tức là bom/đạn ném thẳng vào mục tiêu. ER là extended-range, là JDAM cải tiến cho bay xa hơn, lên tới 72km, và có bán kính chính xác CEP tới 5m.

Nó là bộ tail kit, tức là bộ kit để lái cái vây đuôi của quả bom, để quả bom sau khi rơi ra khỏi máy bay thì lượn đến chính xác mục tiêu nhờ hệ thống dẫn đường quán tính có hỗ trợ thêm bằng GPS. Với các bộ kit này thì máy bay của Ukraine không cần bay đến quá gần mục tiêu (sẽ bị phòng không của Nga bắn) mà chỉ cần bay tầm thấp, cách mục tiêu chừng vài chục km (40km) là tung bom (toss, như trẻ con tung hòn đáo bằng chì trong trò ném đáo) rồi quay đầu chạy. Bom sẽ lượn thêm vài chục km nữa rồi đâm vào mục tiêu. Các mục tiêu đều được nạp vào kit từ trước khi bay, hoặc phi công thay đổi mục tiêu ở giai đoạn cuối. Vì thế các máy bay của Ukraine (là máy bay SU-24) cần được nâng cấp phần điện tử. Chắc họ nâng cấp lâu rồi, giờ công bố việc cấp JDAM-ER cho Ukraine, tức là mọi thứ đã sẵn sàng rồi. Quan trọng là kit này rẻ tiền, bom ngu cũng rẻ tiền, ném bom thoải mái ko sợ quá tốn kém như bắn missile.

Xem thêm:

Tên lửa Javelin, đạn đạo, siêu thanh, drone cảm tử, pháo, xe tăng, radar…

Mục lục như sau:

1. Tên lửa Javelin và nguyên lý

2. Tại sao không quân Nga không làm chủ được bầu trời Ukraine

3. Tên lửa vs Hỏa tiễn (Rocket vs Missile)

4. Trinh sát đường không: Aerorozvidka

5. Tên lửa siêu bội âm (hypersonic) Kinzhal

6. Drone tự sát: Switchblade

7. Thượng phụ Kirill và KGB; tên lửa Tochka -U

8. Foundations of Geopolitics xuất bản năm 1997 của Alexander Dugin; Cảm thức Solzhenitsyn

9. Deep strike: Ukraine  tấn công bằng tên lửa một kho xăng ở Belgorod

10. Drone trinh sát: Puma

11. Axie Infinity bị hack

12. Axie Infinity và Metaverse

13. Mô hình chỉ huy của quân đội Nga: Stavka (Ставка)

14. Tên lửa phòng không vác vai: Starstreak

15. Thanh trừng hàng loạt ở FSB (Tổng cục an ninh Liên Bang Nga)

16. Tuần dương hạm Moskva bị bắn

17. Termit bắn Raduga

18. Moskva bị bắn thế nào

19. Moskva cháy do sao

20. Tham nhũng ở binh chủng thiết giáp Nga

21. Các vũ khí Mỹ viện trợ cho Ukrain, tại sao

22. Ukraine đánh về Izyum, tại sao

23. Pháo M777 và đạn M982 Excalibur

24. Đuôi “pol” ở các địa danh Mariupol, Sevastopol

25. Trận địa pháo M777

26. Pháo tự hành AS-90

27. Tổng cục 5 thuộc FSB

28. Kỷ lục bắn Javelin

29. Đảo rắn

30. Pháo hỏa tiễn M270 MLRS bắn trại chỉ huy ở Zabavne

31. Lựu đạn chống tăng thả từ drone: RGK-1600

32. Pháo 2S7M Malka, Cối 2S4 Tyulpan, Trực thăng Ka-52 (của Nga)

33. Phương diện quân, Tập đoàn quân/Lộ quân, Quân khu

34. Phần mềm gọi pháo GIS -Arta của Ukraine

35. Chiến tranh tuyên truyền

36. Tên lửa siêu bội âm AGM-183A

37. Decentralized Society (DeSoc): Xã hội phi tập trung

38. M270 MLRS và M142 HIMARS

39. Ukraine phản công?

40. Hình ảnh mặt đất sau mưa đạn

41. Top Gun: Maverick

42. Chí chương Hải phòng

43. Ukraine gặp khó khăn

44. Phương tây cấp pháo phản lực cho Ukraine

45. Khởi nghĩa Yên Bái

46. Hỏa châu, phi tiễn, MLRS trên xe Mitsubishi

47. Drone Forpost-R tấn công nhà máy Novoshakhtinsky ở Rostov

48. Hệ thống tên lửa phòng không NASAMS

49. Vụ Nga bắn tên lửa vào khu trung tâm mua sắm ở Kremenchuk

50. Death Proof

51. Saint HIMARS

52. Bắn hỏng cầu ở Kherson

53. Loa phường Hà Nội

54. Tượng đài Hà Nội

55. Tên lửa Hellfire R9X

56. Luật thương mại

57. Tên lửa diệt radar AGM-88 HARM

58. Tên lửa đan đạo chiến thuật Hrim-2

59. Vũ trụ có cấu trúc số?

60. Cây cầu Crimea

61. 19/8 ở Hà Nội và 20/8 ở Hà Đông

62. Cá nhà táng, động từ, tục ngữ

63. Bố trí các hệ thống phòng không NASAMS-3 và IRIS-T 

64. Thích Tuệ Sỹ

65. Yên lặng trước tấn công – The Merge

66. Trời mưa ở Ukraine, đạn treo Shahed-136/131

67. Vương Hỗ Ninh

68. Drone boat tấn công Sevastopol

69. Thuyết Tam Tồn của Vương Hộ Ninh

About Blog của 5xu

Ti hí nhìn đời
Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.