Tất cả là Một

Chủ nghĩa duy vật (materialism) cho rằng khoa học tự nhiên có thể giải thích được đầy đủ cách mà bộ não sinh ra và chứa đựng ý thức (consciousness).

Thomas Nagel không đồng ý. Trong Làm con dơi thì sẽ thế nào (What Is It like to Be a Bat), Nagel lập luận rằng nếu một thứ gì đó (người nào đó, con vật nào đó) có ý thức thì nó sẽ có góc nhìn riêng của nó (perspective). Nếu ta có ý thức, tức là có ý thức về một cái gì đó, thì cái mà chúng ta tri nhận (perceive) sẽ phụ thuộc vào năng lực cảm nhận của các giác quan của chúng ta.

Những người theo chủ nghĩa duy vật tin là mình luôn có thể tư duy khách quan, họ có thể nhìn sự vật hay sự việc mà không bị cách nhìn chủ quan của họ chi phối. Họ tin rằng khoa học tự nhiên giúp họ có cách nhìn khách quan như vậy. Còn Thomas Nagel cho rằng tri thức của khoa học tự nhiên chỉ mô tả chính xác được thế giới tự nhiên bên ngoài, kể cả mô tả chính con người. Khoa học tự nhiên có thể mô tả chính xác con dơi, bao gồm cấu tạo sinh học của nó, nhưng không thể mô tả được “làm con dơi thì sẽ thế nào”. Khoa học cho ta biết con dơi là thế nào từ góc nhìn bên ngoài (perspective from outside), nhưng không giúp ta có góc nhìn con dơi từ bên trong (perspective from inside). Ta không thể biết nếu là con dơi, thì là thế nào. Và xa hơn, nếu là electron, thì thế nào?    

David Chalmers nói khoa học tự nhiên mô tả và giải thích được hành vi và hoạt động của thế  giới “ngoài kia”,  dù nó phức tạp như lượng tử, hay mênh mông như vũ trụ. Tức là có thể mô tả được hành vi khách quan (objective behavior). Nhưng khoa học tự nhiên không thể mô tả được trải nghiệm chủ quan từ bên trong (subjective experience): niềm hạnh phúc, nỗi khổ đau, sự lo âu, niềm canh cánh; hay cách mỗi cá nhân cảm nhận màu sắc, âm thanh, mùi vị, sự sung sướng, khoái cảm… Cái trải nghiệm từ bên trong đó, cái chủ quan đó, thuộc về nhận thức. Chalmers cho rằng bài toán giải thích hành vi khách quan, gọi là easy problem; còn bài toán giải thích những trải nghiệm chủ quan gọi là hard problem. Vậy nên Chalmers đặt ra hard problem of consciousness. Ông cho rằng nghiên cứu ý thức sẽ cho chúng ta thấy thế giới này ở sâu dưới nền tảng kỳ lạ đến thế nào (fundamentally strange.)

Philip Goff nói rằng vấn đề hồn-xác (mind-body problem) là vấn đề rất lâu đời, nó phát sinh ra từ việc con người chúng ta có hai cách hoàn toàn khác nhau để truy cập (access) vào thực tại (reality). Một cách là tri giác (perception), một cách là nội quan (introspection). Perception truy cập vào thế giới vật lý xung quanh chúng ta bằng các giác quan và con người đang học cách mô tả ngày càng chính xác hơn cái thế giới ấy thông qua khoa học. Còn introspection là truy cập vào ý thức thông qua cảm giác và trải nghiệm bên trong. Thách thức khó nhất chính là làm sao mang hai thứ hoàn toàn khác nhau – thế giới ý thức và thế giới vật lý – vào trong cùng một bức tranh của thực tại.  

*

Trên tạp chí Aeon có một bài viết với tựa đề Toàn Tâm luận thì điên rồ nhưng nó là thuyết dễ [trở nên] đúng nhất – Panpsychism is crazy, but it’s also most probably true. Tác giả bài viết là một triết gia trẻ người Anh tên là Philip Golff. Mở đầu bài viết, tác giả giải thích Toàn Tâm luận (Panpsychism) là một thuyết cho rằng ngay cả những mẩu vật chất nhỏ bé nhất như quark hay electron tự nó cũng có “trải nghiệm”, và một electron cũng có đời sống bên trong của riêng nó. Toàn Tâm luận, bởi vậy thường được cho là điên rồ và hoang đường. Nhưng, tác giả viết tiếp, các học thuyết của Darwin, Einstein cũng từng bị phủ nhận vì nó trái ngược với tri thức chung của khoa học và nhận thức của công chúng ở thời điểm các thuyết này ra đời. Tương tự như vậy, các ý tưởng của các thuyết Nhất nguyên luận của Bertrand Russell hay của David Bohm (Russellian monism và Bohmian monism), cũng như các ý tưởng khoa học khác đang góp phần gây dựng nên nền móng của Toàn Tâm luận hiện đại đến ngày nào đó cũng có thể “hóa ra là đúng”.

Quãng giữa thập niên thứ hai của thế kỷ 21, Goff bắt đầu tái khám phá và phát triển thêm các ý tưởng triết học mà Bertrand Russell (nhà toán học và triết gia người Anh) và Arthur Eddington (nhà vật lý người Anh có công chứng minh thuyết tương đối của Einstein bằng thực nghiệm) đề xuất trong những năm 1920, những ý tưởng ấy ngày nay được gọi là Nhất nguyên luận Russell hoặc Toàn Tâm luận Russell.

Russell, bằng các lập luận tinh tế và chặt chẽ quen thuộc của mình, cho rằng ý thức (consciousness) có ở trong vạn vật. Tâm thức (mind) phải được coi là một cấu phần nền tảng (fundamental constituent) của thế giới tự nhiên. Và các tính chất vật lý của các hạt cơ bản quark hay electron,  ví dụ như khối lượng của chúng, chính là một dạng đơn giản của ý thức (simple form of consciousness) .

Ý tưởng các hạt vật chất nhỏ nhất như eletron cũng có tâm thức, ý thức, và trải nghiệm từng là ý tưởng quen thuộc trong triết học và tôn giáo cổ, theo đó sỏi đá cũng có linh hồn, nhưng hoàn toàn trái ngược với trực giác của con người hiện đại.

Trong các nghiên cứu của mình, Goff đưa ra lập luận làm sáng rõ thêm vấn đề. Theo anh, các nhà toàn tâm luận hiện đại xác quyết rằng mọi vật (vật chất) được tạo thành từ những cấu phần vật chất rất nền tảng (như các hạt cơ bản), và những cấu phần vật chất nền tảng ấy đều có ý thức. Nhưng chính các nhà toàn tâm luận cũng không tin rằng một “đống vật chất tích tụ”, như đôi giày chẳng hạn, lại có ý thức. Goff chống lại ý tưởng quen thuộc và phổ quát rằng ý thức chỉ tồn tại trong não của các sinh thể sinh học có cấu tạo phức hợp (brains of complex biological organisms). Anh bảo vệ lập trường của Toàn Tâm luận cho rằng thế giới vật lý được tạo thành từ các dạng thức đơn giản của ý thức (very simple forms of consciousness). Tức là ý thức là nền tảng (fundamental) của thế giới tự nhiên. Mà vì đã là nền tảng, nên ý thức không thể quy giản (reduce) về những cấu phần nhỏ hơn hay nền tảng sâu hơn được nữa.

Goff cho rằng quấn quít lượng tử (quantum entanglement) —hiện tượng lượng tử mà trong đó hai hạt (particle) ở cách xa nhau vẫn có thể liên hệ tức thời với nhau bất kể khoảng cách không gian giữa chúng lớn đến thế nào (vượt qua nguyên lý tương đối hẹp) và hành xử như chúng là một hệ duy nhất — là một hé lộ cho con người thấy vũ trụ vận hành như một toàn thể ở cấp độ nền tảng (fundamental whole). Vũ trụ, ở nền tảng, như một toàn thể là một ý niệm quen thuộc với những ai quan tâm đến triết học Bohm.

Tương tự như nhất nguyên luận trung hòa (neutral monism) của Russell, các nghiên cứu của Goff cố gắng đưa ra một lối đi thứ ba – một con đường “trung đạo” hòa hợp được cả chủ nghĩa duy vật lý (physicalism) và nhị nguyên luận – để giải quyết bài toán khó về ý thức (hard prolem of consciousness) mà David Chalmers  đặt ra năm 1995. Các nghiên cứu của Goff bao gồm cả cách hóa giải lập luận Zombies (zombie argument) là lập luận mà Chalmers đặt ra để thách thức các lý thuyết đang cố gắng giải thích bản chất của ý thức.

Goff cho rằng Toàn Tâm luận là lời giải tốt nhất cho bài toán nhị nguyên hồn-xác (mind-body problem), một bài toán lâu đời nhắm đến tìm ra giải thích cho việc bằng cách nào thế giới ý thức và thế giới vật lý có thể hòa nhập với nhau.

*

Từ thời cổ các triết gia Hy Lạp đã có những ý tưởng triết học mang tính siêu hình: họ cố gắng tìm ra căn cốt của thế giới tự nhiên và giải thích cách thế giới ấy vận hành. Triết gia Heraclitus cho rằng vạn vật là dòng chảy, tất cả (all) là động, là lưu thông (flux) – con người không ai có thể hai lần tắm cùng một “chỗ” trên một dòng sông.

Parmenides có quan điểm ngược lại, vạn vật chỉ là một, tất cả (all) chỉ là một (oneness). Toàn bộ thế giới được tạo dựng nên từ một bản thể (substance/entity) đơn nhất. Ý tưởng triết học này được gọi là Nhất nguyên luận Parmenides (Parmenidian monism).

Anaxagoras lại  cho rằng tất cả mọi bản thể sơ sinh (primodial substance/có từ khởi nguyên của vũ trụ) đều phát sinh từ một cái gọi là nous (tâm thức, mind) – được đồng nhất với tâm thức của toàn vũ trụ (cosmic mind). Nous là một “thứ gì đó” duy nhất thúc đẩy và vận hành toàn bộ vũ trụ.

Vạn vật, kể cả sỏi đá cỏ cây đều có linh hồn. Chỉ có điều cỏ cây hay sỏi đá không có các giác quan, nên con người không thể thấy được hồn của chúng. Và do thiếu cơ quan giác quan, nên tự chúng không nhận biết được sự tồn tại của mình trong thực tại, dù chúng có ý thức. Đây chính là ý tưởng cổ đại của  Toàn Tâm luận (Panpsychism). Trong tiếng Hy Lạp thì pan có nghĩa là tất cả (all) còn psyche nghĩa là linh hồn, tâm thức (sould và mind).

*

Trái ngược với Nhất nguyên luận là Nhị nguyên luận (Dualism). Nhị nguyên luận là triết thuyết mà theo đó thế giới dựa trên hai bản thể (substance) khác nhau. Sau khi René Descartes tung ra nhị nguyên luận hồn-xác (mind-body dualism) rất nổi tiếng (và vì vậy còn được gọi là Nhị nguyên luận Descartes), thì nhiều triết gia tìm cách giải quyết vấn đề tâm thức và cơ thể trong đó có các triết gia trường phái nhất nguyên luận.

Baruch Spinoza giải quyết bài toán của nhị nguyên luận Descartes – bài toán hồn/xác  –  bằng nhất nguyên luận. ông cho rằng toàn bộ thế giới tự nhiên tạo nên bằng một substance (bản thể) duy nhất (Decartes cho rằng physical và mental (phần xác và phần tinh thần/phần hồn) là hai bản thể khác nhau: material (vật chất) và immaterial (phi vật chất). Spinoza lý giải rằng material và immaterial là hai thuộc tính (attribiute) chứ không phải là hai subtance. Bản thể duy nhất và làm nền cho toàn bộ thực tại được Spinoza đồng nhất với một Thượng đế/Mẹ tự nhiên duy nhất. Đây cũng là ý tưởng mà sau này Einstein rất ưa thích: “I believe in the God of Spinoza.”

Gottfried Leibniz cũng có toàn tâm luận của riêng mình, được xuất bản với tên gọi Đơn tử luận (Monadology). Đơn tử luận là một hướng nghiên cứu về các đơn tử (monad). Đơn tử là các cấu phần nền tảng giống như các hạt điểm và chúng sở hữu một số đặc tính liên quan đến chất tinh thần (mental quality). Có thể hình dung đơn tử chứa hai phẩm tính gốc là tri giác (perception) và khao khát (appetite). Cách nhìn này rất giống triết học tinh thần của người Việt: “Dục vọng gắn với thể phách; Ước vọng gắn với tâm hồn”. (Xem thêm Hồn cốt.) 

Cách triết thuyết có cách nhìn tương tự như Spinoza – coi tinh thần và vật chất là khai khía cạnh (aspect) của cùng một bản thể – được gọi chung là Nhất nguyên luận lưỡng diện (dual-aspect monism). Có thể kể đến: Thuyết đồng hiện (synchronicity) của hai cá nhân kiệt xuất là Wolfgang Pauli (giải Nobel vật lý năm 1945 và là một trong những nhà sáng lập cơ lượng tử) và nhà tâm phân học Carl Jung; và lý thuyết của David Bohm. 

*

Bước sang thế kỷ 20, khoa học tự nhiên dần chiếm ưu thế, hầu hết các nhà nhất nguyên luận (monist) đều rơi vào về một trong hai phe, physicalism (chủ nghĩa duy vật lý) hoặc materialism (chủ nghĩa duy vật). Họ cho rằng các hiện tượng tinh thần (mind) trong đó có phần hồn và phần ý thức (consiousness) đều do các các phản ứng hóa sinh (các phản ứng hóa học trong cơ thể sinh học) tạo ra bên trong não. Cả hai phe này dường như dần thắng thế các nhà nhị nguyên luận bởi họ có nhiều hướng đi với nhiều triển vọng mới mẻ và cập nhật hơn. Đơn cử như Roger Penrose (Nobel vật lý 2020) cũng có lý thuyết của mình, dựa trên thuyết tương đối tổng quát và cơ học lượng tử (quantum gravity), để giải thích cơ chế nhận thức hình thành trong các vi ống (microtubule) trong hệ thần kinh vi mô của não.

*

Mới đây, trong một bài giảng nói về triết học vật lý của Giải thích Đa thế giới (Many-worlds interpretation) của Hugh Everrett,  nhà vật lý lý thuyết Sean Carroll nói: trong số các triết gia hiện nay thì một phần ba là những người có bằng PhD vật lý chuyển qua nghiên cứu triết, một phần ba là các triết gia làm thêm PhD vật lý. Bản thân Sean Carroll cũng chuyển qua triết học và có xu hướng ủng hộ mạnh mẽ Thuyết Đa thế giới.

Vai trò của các triết gia trong nhánh triết học vật lý (philosophy of physics) ngày càng hấp dẫn, các đề tài mà họ nghiên cứu, các ý tưởng mà họ đề xuất đều liên quan đến nền tảng cơ bản (foundation) của vật lý hiện đại: thuyết tương đối (theory of gravitation) và thuyết lượng tử (quantum theory).

Sau một quãng dài nhiều năm mảng vật lý liên quan đến nền tảng của thuyết lượng tử không có giải Nobel thì mới đây giải Nobel Vật Lý 2022 đã về tay các nhà vật lý có công trình thực nghiệm về rối lượng tử (quantum engtanglement) sử dụng Định lý Bell (Bell’s theorem). Định lý Bell là một sắp đặt vật lý rất sâu sắc trong vật lý lượng tử. Tác giả của nó, John Bell lấy cảm hứng chocông trình của mình từ thí nghiệm của nhà vật lý lý thuyết “bị bỏ quên suốt nửa cuối thế kỷ 20” là David Bohm (Bohm-type EPR experiment). (Xem thêm Năm mão nhắc chuyện con mèo của Schrödinger.)

*

Bước sang thế kỷ 21, một số nhà vật lý bắt đầu không thỏa mãn cách giải thích của trường phái Copenhagen, vì cách giải thích này tuy hữu ích trong thực tế nhưng về mặt triết học nó không giải quyết được rốt ráo câu hỏi cái gì là thực tại (reality). Nói cách khác, họ chán tri thức luận (epistemology) và quan tâm nhiều hơn đến bản thể luận (ontology).

Gần đây, nhà vật lý lý thuyết Jim Al-Khalili có một phát biểu ngắn về bản thể luậnvật lý. Trong đó ông nói:

Ngay từ hồi những năm 80 của thế kỷ trước, lúc đang làm luận án tiến sỹ vật lý, tôi đã ghét cách nhìn của trường phái Copenhagen [trong cơ học lượng tử] bởi nó không giải thích được gì, ngoài việc nó đưa ra một công thức, một bộ quy tắc để giải thích các kết quả thực nghiệm, nó không nói được bất cứ gì về việc electron đang làm gì khi chúng ta không nhìn vào nó… Nhưng phải đến cuối những năm 80 khi dự các buổi giảng bài của John Bell tôi mới thở phào nhẹ nhõm khi thấy nhà vật lý hàng đầu thế giới có những băn khoăn giống mình…

Hiện nay đồng thuận nào ngày càng mạnh? Tôi có thể nói rằng mọi người đang tập trung nhiều hơn về phía Einstein [thay vì về phía Bohr và trường phái Copenhagen] … theo nghĩa họ đứng về phía lập trường của Einstein là lập trường có tinh thần đúng đắn: đó là vật lý phải hướng về tìm hiểu thế giới này thực như thế nào (ontology/bản thể luận) chứ không phải chỉ hướng về những gì chúng ta có thể nói về thế giới (epistemology/tri thức luận).  

Như triết gia Tim Maudlin nói, diễn giải của Copenhagen về thế giới lượng tử chỉ là công thức, cái chúng ta muốn là một lý thuyết vật lý về thực tại (physical theory of reality), và hiện có ba ứng viên sáng giá: (1) Thuyết Đa thế giới của Everett (Everettian many worlds); (2) Thuyết biến ẩn của Bohm (Bohmian hidden variables); và (3) các mô hình suy sụp tự phát (spontaneous collapse models)…  

Tự nhiên (Nature) phải thể hiện mình theo một cách cụ thể: Hoặc là thế giới chia nhánh thành các thực tại khác nhau [tức là thuyết của Everett] hoặc nó không chia nhánh như vậy; Hoặc các trạng thái lượng tử suy sụp ngẫu nhiên và tự phát, hoặc không phải như thế; Hoặc có các hạt thực (real particle) với vị trí và động lượng luôn xác định được [thay vì không xác định đồng thời cả hai như Nguyên lý bất định Heisenberg] và các hạt này được dẫn hướng bằng sóng lượng tử  (quantum wave) hoặc không phải như vậy [tức là thuyết của Bohm].

Hai ứng viên số (1) và số (2) trong phát biểu của Al-Khalili là hai lý thuyết lượng tử mang tên hai nhà vật lý đề xuất các lý thuyết này – họ là hai cá nhân mà nay nhìn lại thì giống như hai anh hùng đơn thương độc mã chống lại tập đoàn các nhà vật lý theo trường phái Copenhagen – họ là Everettt và Bohm. (Xem thêm bài Quấn quít lượng tử.) Ứng viên số (3) có nhiều mô hình của nhiều nhà vật lý khác nhau, trong đó có Penrose. Penrose cũng dùng mô hình (cách giải thích) lượng tử của mình để đưa ra lý thuyết về ý thức, có tên viết tắt là Orch-OR. Lý thuyết về ý thức của Penrose được xếp vào nhóm quantum mind.

Năm 1980, David Bohm, tác giả của Cơ học lượng tử Bohm ở mục số (2) trong phát biểu của Al-Khalili xuất bản một cuốn sách có tên Cái toàn thể và trật tự ẩn (Wholeness and the Implicate Order). Tên gọi của cuốn sách tự nó đã hàm chứa quan điểm triết học của Bohm: Tất cả là một toàn thể (Wholeness), tức là một cách diễn đạt khác của Toàn tâm luận.

Trong cuốn sách này, Bohm cho rằng dưới vẻ ngoài vật lý, tức là vẻ ngoài của các trật tự hiện (explicate order) là các trật tự ẩn (implicate order) ở các tầng nấc sâu hơn – đó có thể là một trường (field) chứa đựng một số lượng vô hạn các sóng dẫn đường (pilot wave). Các sóng này chồng chất lên nhau và thể hiện ra cho chúng ta thấy dưới dạng hạt (particle) là các cấu phần (constituent) tạo nên trật tự hiện. Ngay cả không gian và thời gian cũng là sự hiện hình của một trật tử ẩn tàng nào đó ở rất sâu bên dưới.

Bohm khuyến khích con người nên có những quan niệm về vũ trụ, về bản chất chung của thực tại mà trong những quan niệm ấy vẫn dành một phần nhất quán cho nhận thức; đồng thời các quan niệm về nhận thực cũng phải để dành một chỗ để có thể hiểu được ý nghĩa của việc ý thức cũng tham gia vào “thực tại như một toàn thể – reality as a whole”. Phải có hai bộ quan niệm như vậy kết hợp với nhau mới có thể hiểu được bằng cách nào ý thức và thực tại liên hệ với nhau.

*

Triết gia đầu tiên của Hy Lạp cổ đại, Thales, đề xuất một lý thuyết mà theo đó vạn vật đều chứa đầy các vị thần linh (everything is full of gods). Thales tin rằng nam châm (luôn có hai cực, không có cách nào tách được hai cực ra khỏi nhau) là ví dụ rõ nhất thuyết này. Ngày nay ý tưởng này được được phân loại như là một học thuyết đơn giản của một nhà toàn tâm luận.

In 1990, David Bohm công bố nghiên cứu Một lý thuyết mới về quan hệ giữa tinh thần và vật chất (A new theory of the relationship of mind and matter) mà sau này được coi như một phiên bản Toàn Tiền-Tâm luận (panprotopsychism) của Bohm. Toàn Tiền-Tâm luận là một cách nhìn triết học, theo đó các thực thể nền tảng (fundamental entity) đều có phẩm tính tiền-ý –thức (proto-conscious), tức là chúng có những đặc tính nào đó giúp chúng trở thành “mầm mống” của ý thức trước khi ý thức hình thành ở các hệ vĩ mô hơn. Bohm cho rằng, cũng như hai cực (pole) của nam châm, thực tại cũng có hai cực – mental pole (cực tinh thần) và physical pole (cực vật lý/thể chất) – và hai cực cực này không thể tách rời. Và ngay cả electron cũng có cực tinh thần, và cực này được mô tả toán học bằng thế năng lượng tử . Ngược lại, mọi quá trình tinh thần (mental processes) lại có cực vật lý. Có thể dùng hai cực như hai thuộc tính khác nhau để hiểu được những gì đang xảy ra. Nhưng là vô nghĩa nếu tìm cách tách hai cực này ra hai bản thể. Cũng không thể quy giản cực này về chỗ chỉ là tính năng của cực kia như cách làm của chủ nghĩa duy vật (materialism) hay chủ nghĩa duy tâm (idealism).

Nhà vật lý Arthur Eddington nói: “Vạn vật của thế giới đều là những vật-tinh-thần [mind-stuff]”

Còn Freeman Dyson, một trong những nhà vật lý có công đặt nền móng cho điện động học lượng tử (quantum electrodynamics) từng có phát biểu đậm màu sắc Toàn Tâm luận: “Các định luật vật lý chừa chỗ cho tinh thần (mind) trong bản mô tả tất cả các phân tử… Nói cách khác, tinh thần tự nó đã gắn sẵn trong mọi electron, và các [quá trình phát sinh] ý thức của con người chỉ khác nhau ở mức độ chứ không khác nhau ở bản chất.”  

*

Trong hai ấn phẩm The Analysis of Mind (1921) and The Analysis of Matter (1927), Bertrand Russell đưa ra nhất nguyên luận trung hòa (neutral monism) là một thuyết nhất nguyên với lập trường trung hòa: vạn vật thành hình thành hài trên thế gian này không hoàn toàn là tinh thần cũng không hoàn toàn là vật lý, mà nó cái gì đó ở giữa

Bertrand Russell cho rằng khoa học chỉ khám phá và mô tả chính xác các tính chất riêng có bên ngoài (extrinsic/external) của vật chất, còn thì chịu chết không biết một chút gì về các tính chất riêng có bên trong (intrinsic) thuộc về bản chất tự nhiên (nature) của vậ chất. Đây là ý tưởng chủ đạo của lý thuyết mà sau này được gọi là Nhất nguyên luận Russell (Russellian monism): khoa học không thể nhìn thấy các tính chất ẩn của vật chất, trong đó có ý thức.

*

Trong bài luận Toàn Tâm Luận và Toàn Tiền-Tâm Luận (Panpsychism and Panprotopsychism), triết gia David Chalmers sử dụng phép biện chứng Hegel (Hegel’s dialectics) với chính đề (thesis), phản đề (antithesis), và hợp đề (synthesis) lần lượt là các thuyết duy vật, nhị nguyên và toàn tâm. Các lập luận của chính đề là các lập luận nhân quả dành cho duy vật (và chống lại nhị nguyên). Các lập luận cho phản đề là các lập luận về khả năng nhận thức nhị nguyên (và chống lại duy vật). Hợp lại, chúng tạo ra lập luận Toàn Tâm. Các lập luận của hợp đề không chỉ ủng hộ Toàn Tâm luận mà còn ủng hộ Toàn Tiền-tâm luận. Ở kết luận, Chalmers viết rằng chúng ta cần tiếp nhận nghiêm túc cả hai thuyết Toàn Tâm luận và Toàn Tiền-tâm luận. 

Quay lại với bài viết về Toàn tâm luận trên tạp chí Aeon, tác giả bài viết, triết gia trẻ tuổi Philip Golff kết luận:

Toàn Tâm luận là điên rồ. Nhưng nó cũng có khả năng rất cao hóa ra là đúng. (Panpsychism is crazy. But it is also highly likely to be true.)

About Blog của 5xu

Ti hí nhìn đời
Bài này đã được đăng trong sách, Uncategorized và được gắn thẻ , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.